Tác giả (The Arbinger Institute)
Một cuốn sách tuyệt vời về lãnh đạo bản thân và lãnh đạo tổ chức, nó xứng đáng đọc bởi bất kỳ ai muốn trở nên tốt hơn.
Nội dung chính
Sự tự phản bội
Nhiều lúc, từ sâu bên trong bản thân mình, chúng ta muốn làm gì đó giúp người khác, nhưng rồi suy nghĩ kỹ chúng ta lại không làm việc đó.
Ví dụ, thấy một người ăn xin, chúng ta muốn giúp họ, nhưng nghĩ lại sợ mình bị lừa, nên thôi. Thấy đồng nghiệp khó khăn, mình biết mình có thể giúp được, nhưng sợ mất thời gian của bản thân, nên thôi, mình để họ tự xoay xở.
Đó là những lúc chúng ta đang phản bội lại chính bản thân mình.
“Chiếc hộp” hay việc tự đóng khung bản thân
Chúng ta vẫn thường có thói quen nuông chiều cảm xúc bản thân và coi bản thân mình là trung tâm của vũ trụ. Do đó, chúng ta thường đánh giá sự vật, hiện tượng, con người, qua lăng kính chủ quan của mình.
Cũng vì vậy, chúng ta thường có thói quen đổ lỗi và phóng đại những lỗi lầm của người khác trong bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Tương ứng với đó, chúng ta lại phóng đại hoá công lao và tầm quan trọng của bản thân, và thường coi mình là nạn nhân của mọi việc.
Khi chúng ta cư xử như vậy, chúng ta đang ở trong cái hộp, cái vỏ bọc do chính mình tạo ra.
Tiếc thay, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta mà còn có ảnh hưởng liên đới tới những người xung quanh, đó là gia đình, là đồng nghiệp, là xóm giềng, là tất cả những người mà ta tiếp xúc.
Vì chúng ta đối xử với những người xung quanh theo cảm nhận của chúng ta, cho nên nếu cảm nhận đó không tốt, vô tình, chúng ta đã khiêu khích họ, phản ứng lại không tốt đối với chúng ta. Và điều này tiếp diễn như một vòng tròn không hồi kết. Nó tiếp tục lan rộng tới nhiều người hơn nữa.
Tính liên đới của hành vi “chiếc hộp”
Giống như một người sếp bảo thủ, luôn kiểm soát nhân viên, sẽ làm cho nhân viên ức chế. Theo đó, nhân viên sẽ tìm cách đối phó lại sếp, đồng thời họ cũng rất mệt mỏi khi làm việc. Sự mệt mỏi đó, khiến họ tiếp tục cảm thấy ức chế, và tìm cách đổ lỗi cho các đồng nghiệp khác. Và nguyên cả tổ chức đó, không thể đạt được hiệu suất cao trong công việc.
Tiếp tục, vì đổ lỗi, vì vì thiếu động lựcm thiếu tinh thần tập thể, mỗi người sẽ hình thành thói quen trách móc, phàn nàn, đổ lỗi cho những người xung quanh, kể cả gia đình của họ khi họ trở về nhà. Vòng tròn khó chịu này lại tiếp tục lan ra các môi trường khác.
Bởi vậy, cuốn sách đã được dẫn dắt xoay quanh câu chuyện của anh chàng Tom, một nhân sự cấp cao mới của một tổ chức có tên là Zagrum. Khi mới nhậm chức, anh đã mang theo cách cư xử từ công ty cũ mà anh vốn dĩ rất không hài lòng sang để đối xử với các nhân viên ở công ty mới. Và tại đây, anh đã học được bài học từ ngài Lou, bà Kate, và ngài Bud. Anh đã biết cách thoát ra khỏi chiếc hộp bảo thủ của mình, để thay đổi bản thân, và thay đổi cả những người xung quanh mình.
Áp dụng cuốn sách vào cuộc sống
Một số cách anh Tom đã được học, và chúng ta cũng có thể học để áp dụng trong cuộc sống :
- Đừng cố gắng trở nên hoàn hảo, hãy cố gắng để tốt hơn.
- Đừng tìm những chiếc hộp (tình huống, tính cách bảo thủ của người khác) hãy cố gắng để nhận thức hành vi bản thân mình xem khi nào mình đang đóng khung bản thân
- Đừng buộc tội người khác là họ đang tự đóng khung bản thân, hãy cố gắng để mình được thoát ra ngoài khung
- Hãy luôn xin lỗi cố gắng để thoát ra ngoài chiếc hộp ngay khi mình phát hiện ra mình đang trong hộp
- Đừng tập trung vào điều người khác làm sai, hãy tập trung xem mình có thể làm gì đúng đắn để giúp họ
- Đừng bận tâm xem người khác có giúp được gì cho mình không, hãy tập trung xem mình giúp được gì cho họ hay không.
Kết luận
Cuốn sách ngắn gọn, súc tích, đã cầm lên là không muốn bỏ xuống, vì ai cũng sẽ thấy mình trong đó. Cuộc sống thay đổi đôi khi không từ việc gì đó lớn lao, mà từ việc mình thay đổi cách nhìn của bản thân đối với thế giới.
Ms Thảo Nguyễn – Founder Eflita Edu