Đừng trông chờ vào nền giáo dục này

” Đừng trông chờ vào nền giáo dục này” đó là một câu comment trong một bài viết trong một nhóm phụ huynh Việt ở Canada khi có người đưa ra vấn đề muốn cho con học thêm vì trẻ chơi nhiều quá không thấy học hành nhiều như ở VN, sợ sau này con vào đại học không chịu được áp lực.

Vậy mới thấy, giáo dục trong môi trường nào cũng không đáp ứng được hết nhu cầu của bố mẹ, và cũng không phù hợp với tất cả trẻ con. Việt Nam thì ca bài con học nhiều quá. Canada thì lo con học ít quá. Với cá nhân mình, nền giáo dục nào cũng có ưu nhược điểm, đồng xu còn có hai mặt, bàn tay còn có sấp ngửa mà. Giáo dục Việt Nam chưa hẳn đã không ổn, giáo dục Canada hay Mỹ cũng chưa hẳn đã tốt. Nó có thể tốt với cá nhân này ở điểm này, cá nhân khác ở điểm khác và không tốt cũng tương tự.

Điều quan trọng nhất để tạo nên một con người hạnh phúc, bình an, có ích cho xã hội, không hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống bên ngoài, mà nên bắt đầu từ bên trong gia đình, từ chính những người làm cha làm mẹ. Chúng ta nên ưu tiên dạy mình, dạy con mình vì không ai hiểu và làm thay mình được trong vai trò là leader của con.

Dạy ở đây không phải là mua sách toán lý hoá văn sử địa về ngồi làm với con, không phải 8h tối vào kè kè bên con đến hết bài tập rồi đi ngủ, mà dạy ở đây là dạy con khả năng tự học, đam mê với việc học. Một khi con thích học, con sẽ tự tìm tòi, mày mò sâu để học tập và khám phá. Càng biết nhiều điều mới càng kích thích việc học tốt hơn.

 Bản chất con người sinh ra ai cũng có tính tò mò, ham học hỏi. Nhưng đôi khi vì hoàn cảnh, môi trường giáo dục ép buộc, ăn sẵn, làm thui chột khả năng tự học của con người. Vậy nên, muốn con trưởng thành hạnh phúc với việc con làm, sống cuộc đời con muốn, thì trước hết con phải có năng lực học tập không ngừng nghỉ. Và điều đó không hệ thống giáo dục nào làm được cho tất cả mọi đứa trẻ ngoại trừ cha mẹ.

 Ai chả biết vậy nhưng làm thế nào để dạy con tự học, cha mẹ sinh con trời sinh tính, nếu nó không tự giác thì mình ép cũng đâu được! Đúng! Ép là không được! Nhưng mình hoàn toàn có thể làm gương và tạo môi trường để con yêu thích việc học. Hãy thể hiện cho con biết mình là người luôn tò mò, ham học hỏi, và phát triển không ngừng. Khi cho con thấy được sự đam mê của mình đối với việc học và phát triển, ba mẹ vừa có thể làm gương, vừa có những chú ý rất nhỏ để điều chỉnh thói quen của trẻ kịp lúc kịp thời.

 Hãy tập cho trẻ đọc nhiều, trong sách có cả kho tàng những điều thú vị. Khi trẻ thấy đọc sách là hay, trẻ sẽ càng đọc nhiều hơn. Với mình, cách tốt nhất và nhàn nhất để giáo dục con là cho con đọc sách. Đọc sách chưa chắc đã thành công lớn, nhưng những người đọc sách, ít ai sống không biết điều và bị nghèo nàn trong tâm hồn.

Hãy để cho trẻ đi nhiều, trải nghiệm nhiều để trẻ thấy mình rất nhỏ bé giữa vũ trụ bao la. Khi đó trẻ sẽ bớt đi phần ích kỷ, phần tự kiêu, và trẻ sẽ biết thế giới bao la có nhiều thứ cho mình khám phá. Nếu có điều kiện thì đi xa, không có điều kiện thì sang làng bên, xã bên, coi họ làm gì, gặp người mới, học điều mới. Ở đâu cũng có những người hay cho mình học. Hãy dạy cho trẻ biết sống có đạo đức, biết yêu thương và tôn trọng mình, để trẻ nói lên cảm xúc của mình, trẻ sẽ biết yêu thương và tôn trọng người khác.

Với mình những gì chúng ta học được trong trường là rất nhỏ bé và ít ỏi, những gì chúng ta học bên ngoài mới thực sự tạo nên số phận của mỗi người.

Xã hội đang thay đổi nhanh chóng mặt, cách duy nhất để thích ứng và phát triển chính là khả năng tự học. Bởi vậy không phải là “đừng nên trông chờ vào nền giáo dục này” mà là “đừng nên trông chờ vào nền giáo dục nào cả, đỉnh cao của giáo dục là tự giáo dục”. Bởi vậy hãy dạy cho con cách tự học và tự giáo dục, để con được sống đúng cuộc đời của con.

Hôm qua đi coi space show, khám phá vũ trụ bao la mới thấm câu “Đừng bao giờ tự cho mình là cái rốn vũ trụ bởi quy cho cùng cái rốn cũng chỉ để thoa dầu cù là mà thôi”

 #msthaonguyen

#eflitaedu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *