Làm sao học ít hiểu nhiều – Book Review

1. Giới thiệu cuốn sách “Làm Sao Học Ít Hiểu Nhiều”

Thú thật là mình đọc nhiều sách, nhưng mãi đến gần đây khi đọc được cuốn sách này mới hiểu được, vì sao mình đọc nhiều, học nhiều mà chẳng nhớ được bao nhiêu. Vậy nên, mạn phép, review cuốn sách ĐẶC BIỆT HAY này cho những ai cũng đang học nhiều mà không nhớ, hoặc không có thời gian học nhiều nhưng vẫn muốn biết nhiều. 

Cuốn sách LÀM SAO HỌC ÍT HIỂU NHIỀU của tác giả Zinon Kabasawa – ông là nhà tâm thần học, và là nhà văn. Nên các vấn đề về thần kinh học, về não bộ, được ông truyền tải một cách dễ hiểu qua giọng văn rất mộc mạc, đơn giản. Chính vì vậy, cuốn sách này cực kỳ dễ đọc, và dễ thực hành cho bất kỳ ai. 

Cuốn sách thích hợp với bất kỳ ai thích học. Tuy nhiên, Thảo nghĩ người trưởng thành, những người đang ngày đêm học để phát triển bản thân dù không có nhiều thời gian, là những người phù hợp nhất. 

Ông đã miêu tả rất rõ các lý do mà mình đọc nhiều nhưng không nhớ, học nhiều nhưng không hiểu. Một trong những lý do đó là, mình chưa biết cách đọc, cách học hiệu quả. 

Chẳng hạn như nếu bạn đang đọc sách từ trang đầu đến trang cuối, thì chắc chắn đó là một lối đọc sách không hiệu quả. Nếu bạn đang học một môn học mới, mà nhảy thẳng vào kiến thức chuyên sâu, bỏ qua kiến thức nhập môn cơ bản, thì đó là một cách học không hiệu quả…. 

2. Một số phương pháp học tập hiệu quả

Sau khi phân tích các phương pháp học không hiệu quả, ông cũng dẫn ra rất nhiều phương pháp học giúp tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Ví dụ như, trước khi học hay đọc, phải có mục tiêu rõ ràng; biết ưu điểm của mình là gì, khuyết điểm của mình là gì để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. 

Đặc biệt trong chương sách này, có một số phần mình cực thích, và đang áp dụng cực kỳ hiệu quả đó là các phương pháp như sau: 

1. Phương pháp Shuhari

– Shu có nghĩa là nhập vào. Trước khi muốn thành thạo việc gì, mình phải học. Giai đoạn này đừng cố gắng sáng tạo hay bứt phá. Cố gắng làm đúng những gì được học, hay nói đơn giản hơn, là tuân thủ các quy tắc.

– Ha – có nghĩa là khi đã thành thạo các quy tắc rồi, thì bắt đầu bứt phá một chút để nó linh động với trường hợp của mình.

– Ri – có nghĩa là quên đi sách vở, quên đi quy tắc, vì lúc này mọi thứ đã thành kỹ năng, lúc này có thể thoải mái, tự tin sáng tạo. 

2. Phương pháp bắt chước: Hay có thể gọi là COPY – SELECT – MODIFY 

Cũng giống như Shuhari – đầu tiên chúng ta sẽ chọn bắt chước, mà không hỏi lý do, để dung nạp đủ lượng kiến thức cần biết. Sau đó lựa chọn những gì mình cần học hỏi, và cuối cùng là chỉnh sửa nó cho phù hợp với nhu cầu của mình. 

Trong chương này có một đoạn cực hay, đó là bắt chước không hỏi lý do. Vì khi  bạn tự băn khoăn, tự đặt câu hỏi, não bộ sẽ được kích thích để tư duy nhiều hơn, và vì vậy bạn sẽ hiểu vấn đề sâu hơn là khi người khác giải thích lý do cho bạn. 

3. Phương pháp đầu vào – đầu ra

Có 4 quy tắc trong phương pháp này, Tuy nhiên  Thảo chọn cái tâm đắc nhất để giới thiệu cho các bạn. Đó là nguyên tắc phân bổ thời gian theo tỷ lệ vàng 3:7 

Nghĩa là phần kiến thức chúng ta nạp vào trong đầu, cũng như thời gian chúng ta dành cho việc học chỉ nên chiếm 30% tổng lượng thời gian, công sức thôi. Còn lại, 70% chúng ta nên dành thời gian, công sức để áp dụng những kiến thức thu nạp được vào trong thực tế ứng dụng.  

Chỉ có hành động, tư duy, processing nguồn nguyên liệu đầu vào mới biến những kiến thức mình thu nạp được trở thành của mình một cách bền vững.

(Đọc sách không theo trật tự số trang, đọc tài liệu nhập môn trước khi học chuyên sâu, lấy đầu ra làm tiền đề, ghi chú ít lại, lắng nghe nhiều hơn…) là những thủ thuật để giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn mà cẫn học đươccj nhiều hơn. 

4. Phương pháp siêu đầu ra

Cũng giống như phương pháp đầu ra, tuy nhiên siêu đầu ra giúp chúng ta có thể nắm cực kỳ vững kiến thức, và quan trọng hơn là giúp chúng ta HỆ THỐNG HOÁ kiến thức để đưa nó lên một tầm cao mới. Nó cũng giống như KIM TỰ THÁP học tập vậy. Cách học tốt nhất là chủ động dạy cho người khác.

làm sao học ít hiểu nhiều
làm sao học ít hiểu nhiều

Siêu đầu ra bao gồm 4 bước: Dạy – truyền thông tin qua mạng xã hội – trở thành người dạy – và xuất bản sách. 

Muốn học sâu nhớ lâu, học xong hãy dạy lại cho người khác. Có thể dạy lại cho một người, hoặc một nhóm dạy lại cho nhau. Sao cũng được, miễn là bạn tìm được người để truyền đạt lại thông tin bạn đã học được. Chính khi truyền thông tin cho người khác, bạn bắt buộc phải hiểu vấn đề. Vì vậy, khả năng cao bạn sẽ là người được lợi nhiều nhất. 

Bạn cũng có thể viết bài, đăng bài trên mạng xã hội như Facebook, YouTube… để trau dồi khả năng tổng hợp kiến thức và diễn đạt kiến thức của bản thân. 

Tuyệt vời hơn nữa là bạn trở thành người dạy chính thống, đứng trước đám đông – chắc chắn lượng kiến thức, độ hiểu biết của bạn sẽ phải rộng và sâu.

Cuối cùng, cao nhất, đó là xuất bản sách Hiện nay mình cũng đang viết một cuốn sách và sắp sửa hoàn thành. Vì vậy, mình hiểu rất rõ, quá trình viết sách là quá trình thu thập, xử lý và xuất kiến thức tuyệt vời nhất. Chúng ta không thể viết những điều mà chúng ta không hiểu. Chúng ta cũng không thể chỉ viết những điều mà chúng ta biết. Chúng ta phải học cách viết những điều mình biết theo cách nghĩ đơn giản nhất cho người đọc. 

Và đến lúc đó, có thể nói sự học của chúng ta đã phát triển vượt bậc rồi. 

Đương nhiên, không phải bẩm sinh ai cũng có khả năng viết tốt, hay nói tốt. Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể học được, và học như thế nào cho hiệu quả nhất, thì chúng ta lại quay vòng về đầu cuốn sách này. 

Chúc cho ai đó hữu duyên đọc được review này, sẽ có thể đầu tư cho mình một cuốn sách, bởi Thảo biết, nó nhất định giúp ích rất nhiều cho sự học trọn đời của cuộc đời bạn. 

Thân ái! 

Ms Thảo Nguyễn – Founder Eflita Edu – Tiếng Anh giao tiếp Online mẹ và bé

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *